Giỏ hàng
Mụn và phương pháp chăm sóc da mụn

Mụn và phương pháp chăm sóc da mụn

13/08/2020 bình luận

Mụn bấy lâu nay vẫn là một nỗi lo của nhiều bạn, không chỉ nữ mà cả nam giới. Ai cũng muốn loại bỏ chúng thật nhanh nhưng không hề tìm hiểu nguyên nhân hình thành để có phương pháp điều trị hiệu quả. Hôm nay, Z-ton sẽ chia sẻ với các bạn một vài kiến thức về mụn và cách chăm sóc da mụn, hãy áp dụng cho phù hợp với loại da của mình nhé!

Khái quát

Mụn là một rối loạn cấp tính xảy ra trên da và là một vấn đề về da phổ biến trong dân số.

Các mục tiêu điều trị mụn bao gồm: phòng ngừa sẹo, giảm các ảnh hưởng về tâm lý và khắc phục các tổn thương. Phân loại mụn dựa trên các đặc điểm thương tổn và mức độ nghiêm trọng để đưa ra hướng dẫn điều trị phù hợp.

Sau khi đạt được mục tiêu điều trị, điều trị duy trì nên được thực hiện.

Phân loại mụn

Mụn được chẩn đoán bằng cách xác định các tổn thương.

Tổn thương mụn có thể là mụn không viêm mở hoặc đóng đến các tổn thương viêm. Mụn nhiều khả năng xuất hiện trên mặt, cổ, ngực và lưng, nơi có mật độ cao hơn của các tuyến bã nhờn.

Mụn được phân loại bằng đặc điểm các tổn thương:

  • Mụn không viêm mở hoặc đóng (mụn đầu đen và mụn đầu trắng): bã nhờn trên da tiết ra nhiều, kết hợp với tế bào chết gây tắc nghẽn lỗ chân lông, sinh ra mụn. Mụn đầu trắng do nhân mụn bị tắc trong lỗ chân lông kín nên có màu trắng, nhân cứng hoặc chưa có miệng cồi (mụn ẩn, mụn sần). Mụn này có đặc điểm không sưng, không đỏ.
  • Mụn viêm gồm các thể sần (papule), mụn mủ (pustule) hoặc mụn bọc (nodule), mụn do demodex, vi nấm,...

Nguyên nhân gây mụn

Thay đổi điều kiện da

Các tổn thương mụn trứng cá có nguồn gốc từ các đơn vị nang lông - tuyến bã của da.

Quá trình sừng hóa trên da thường gây một nút chặn tại vị trí nang lông, ngăn bã nhờn có thể thoát lên bề mặt da gây bít tắc bên trong nang. Đáp ứng lại các tác động trên, các đơn vị nang lông sẽ nở to ra cho đến khi vỡ mụn gây đáp ứng viêm.

Ngoài ra, điều kiện yếm khí trong các nang lông bị tắc nghẽn tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn Propionibacterium acnes góp phần hình thành mụn trứng cá và gây nên đáp ứng viêm.

Tóm lại, 3 yếu tố chính góp phần hình thành mụn trứng cá bao gồm:

  • Tăng tiết bã nhờn da
  • Bít tắc lỗ chân lông
  • Sự phát triển của vi khuẩn Propionibacterium acnes

Vi nấm

Vi nấm Malassezia furur (tên khác là Pityrosporum orbiculaire) gây viêm nhiễm nang lông dưới da. Viêm nhiễm nang lông do Malassezia furur là kết quả của việc tăng sinh quá mức nấm men thường trú trên da, nguyên nhân có thể do dùng kháng sinh, suy giảm miễn dịch.

Tình trạng tổn thương giống như mụn trứng cá thông thường, nhưng bệnh trạng có thể kéo dài trong nhiều năm và không có đáp ứng với các loại thuốc trị mụn điển hình.

Bệnh chủ yếu gặp ở lứa tuổi thanh niên và trung niên, gặp ở nữ giới nhiều hơn với tỷ lệ 3:1. Biểu hiện phổ biến nhất là xuất hiện các mụn viêm ở ngực, lưng, mặt sau cánh tay và mặt.

Demodex 

Demodex là một loại vi khuẩn gây viêm da trên người. Demodex thường sống thành cặp, sau khi giao cấu, vi khuẩn trên da mặt của đi sâu vào bên trong da và đẻ trứng ở vị trí nang lông hoặc tuyến bã, mang theo vi khuẩn và bài tiết ra chất thải, chết ở trong da ngay sau khi đẻ trứng. Sau khi chết, xác của chúng hóa lỏng và phân hủy trên bề mặt da, và gây ra phản ứng dị ứng ở một số bộ phận của các mô da, đốm đỏ (mụn trứng cá) xảy ra tình trạng viêm da dị ứng tại chỗ, ban đỏ, ban sẩn và mụn mủ. Đây đều là phản ứng bởi hệ thống miễn dịch.

Viêm da do Demodex lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hoặc có thể là do bụi có chứa trứng bám vào bề mặt da, hoặc đồ dùng chung, hôn, cọ má, sử dụng khăn mặt chung.

Bệnh viêm da do demodex gồm có 3 thể bệnh thường gặp:

  • Viêm nang lông dạng vảy phấn (thể nhẹ nhất): thương tổn là đám da đỏ, bề mặt có những vảy da, nút sừng ở nang lông, bệnh nhân có cảm giác kiến bò trên da.
  • Viêm da do demodex dạng trứng cá.
  • Trứng cá đỏ thể u hạt (thể này ít gặp, thường gặp ở những người bị suy giảm hệ miễn dịch).

Điều trị và chăm sóc da mụn

Mụn không viêm

Mụn không viêm có thể được điều trị bằng việc sử dụng các thuốc dạng thoa hàng ngày với các loại hợp chất của vitamin A: adapalen 0,1%, tretinoin 0,025-0,1%, tazaroten 0,05-0,1%. Hợp chất của vitamin A tác động lên quá trình sừng hóa bất thường trên da, làm thông thoáng lỗ chân lông.

Một số tác nhân khác như acid azelaic 20%, acid salicylic 2% và benzoyl peroxid 2,5%-10% cũng được sử dụng trong điều trị mụn nhờ hoạt động ly giải nhân mụn và ly giải sừng.

Mụn viêm

Mụn viêm nhẹ có thể được điều trị bằng acid azelaic,benzoyl peroxid, kháng sinh tại chỗ hoặc sự kết hợp của các dạng thuốc bôi ngoài da. Mụn nhẹ hỗn hợp có thể được điều trị bằng vitamin A bôi hàng ngày và acid azelaic, benzoyl peroxid hay kháng sinh tại chỗ.

Mụn viêm mức trung bình được điều trị bằng thuốc bôi tương tự như loại mụn viêm nhẹ và điều trị toàn thân. Phương pháp điều trị toàn thân dùng cho trường hợp mụn viêm vừa phải và hỗn hợp bao gồm thuốc kháng sinh đường uống, thuốc tránh thai (đối với nữ) và nicotinamid. Thuốc tránh thai có hiệu quả với nữ khi không đáp ứng với điều trị tại chỗ và kháng sinh uống. Chúng hoạt động bằng cách làm giảm testosteron tự do. Sự cải thiện có thể nhin thấy sau 4 tháng kể từ khi bắt đầu điều trị.

Mụn viêm nặng được xử lý bằng kháng sinh uống, thuốc tránh thai và nicotinamid, liệu pháp toàn thân bổ sung bao gồm sử dụng liều cao tetracylin (1-3g/ngày chia làm nhiều lần), spironolacton, corticoid liều thấp, isotretinoin và dapson.

Mụn do vi nấm

Cả loại thuốc kháng nấm dạng bôi và dạng uống đều có hiệu quả trong điều trị viêm nang lông do vi nấm. Thuốc kháng nấm đường uống có nhiều lợi thế đáng kể, tác động vào tổn thương và điều trị hiệu quả nhất.

  • Những phương pháp điều trị được khuyến cáo: itraconazol và fluconazol đường uống; ketoconazol đường uống và các sản phẩm gội đầu chứa ketoconazol; cồn và dung dịch acid salicylic, propylen glycol 50% trong nước và dầu gội benzoic 5%.; dầu tràm trà, mật ong và acid cinnamic.
  • Vitamin A không có hiệu quả trong trường hợp này vì đây thực chất không phải là một dạng tổn thương mụn và là tình trạng viêm nang lông do vi nấm.
  • Kháng sinh tetracylin không hữu ích trong điều trị và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này.

Mụn do demodex

Điều trị vấn đề gây ra bởi demodex thường khó khăn và có thể kéo dài trong vài tháng.

  • Điều trị nên được bắt đầu sớm vì viêm da do demodex rất dễ lây và lây lan nhanh thông qua việc ôm, hôn nhau, sử dụng khăn mặt chung.
  • Người bị nhiễm bệnh viêm da do demodex không có dấu hiệu nhìn thấy được cũng có thể truyền vi khuẩn trên bề mặt da cho người khác. Một khi bị nhiễm, thời gian ủ bệnh có thể mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm.
  • Hạn chế tối đa việc sử dụng các loại mỹ phẩm trong khi điều trị bệnh. Nguyên nhân là do vi khuẩn này có khả năng sinh sôi rất nhanh trong môi trường da có thoa mỹ phẩm.

Ngoài ra, người bệnh cần:

  • Rửa sạch da mặt mỗi ngày
  • Tránh việc sử dụng các chất tẩy rửa dầu và trang điểm nhờn
  • Tẩy tế bào chết định kỳ để loại bỏ các tế bào da chết
  • Sử dụng các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Chăm sóc da mụn

Với mỗi tình trạng mụn khác nhau sẽ có cách điều trị và chăm sóc khác nhau. Tuy nhiên, đều nên tuân thủ các bước làm sạch da:

- Vệ sinh cùng da mụn sạch sẽ;

- Nặn mụn đúng cách;

- Hạn chế sử dụng mỹ phẩm gây tắc lỗ chân lông;

- Tẩy da chết định kỳ giúp thông thoáng da.

Cùng đó kết hợp với chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh, phù hợp sẽ giúp tăng hiệu quả của việc điều trị.

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Cách chăm sóc da mặt sau phi kim

Các quy tắc dưỡng da bạn nên thuộc lòng

Lựa chọn mỹ phẩm cho da mặt theo độ tuổi

Bình luận

ĐĂNG KÝ BẢN TIN CỦA CHÚNG TÔI

Vui lòng liên hệ với admin để tạo tài khoản

Hotline: 0902 027 011 Liên hệ