Giỏ hàng
Các vấn đề về da liễu thẩm mỹ thường gặp

Các vấn đề về da liễu thẩm mỹ thường gặp

06/05/2020 bình luận

Các vấn đề về da báo hiệu cho chúng ta biết rằng cơ thể đang không khỏe, cần điều chỉnh để hướng đến thói quen sinh hoạt và lối sống lành mạnh hơn. Tuy nhiên, chúng cũng gây không ít phiên toái cho chị em như làm mất thẩm mỹ, mất tự tin khi ra khỏi nhà. Vậy hãy cùng Z-ton tìm hiểu các vấn đề da liễu thẩm mỹ thường gặp để tìm ra cách trị chúng nhé!

Khô da

Có nhiều nguyên nhân (bên trong và bên ngoài) làm khô da. Mức độ khô da phụ thuộc vào số lượng và cường độ tác động của các yếu tố này.

Nguyên nhân bên ngoài

Các nguyên nhân bên ngoài gây khô da đều làm tổn thương đến hàng rào lipid bảo vệ bề mặt da. Một khi hàng rào lipid bị phá vỡ, độ ẩm trên bề mặt da dễ dàng thoát ra ngoài và các chất giữ ẩm cũng dễ dàng bị mất đi.

Khi các nhân tố giữ ẩm tự nhiên bị suy giảm, da không thể giữ được lượng nước cần thiết và trở nên khô hơn cho đến khi chúng được bổ sung và khi hàng rào lipid được phục hồi. Dòng chảy tự nhiên cung cấp độ ẩm đến các tế lớp tế bào da phía trên bị suy giảm dẫn đến da khô nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân bên trong

Khô da cũng có thể là do các yếu tố bên trong cơ thể như: yếu tố di truyền, các tác nhân về nội tiết tố, vấn đề tuổi tác và chế độ ăn uống thiếu nước và dưỡng chất.

Mụn

Mụn là một rối loạn cấp tính xảy ra trên da và phổ biến trong dân số. Bốn yếu tố có vai trò trong sự hình thành mụn: tăng sản xuất bã nhờn, quá trình sừng hóa, sự phát triển của vi khuẩn Propionibacterium acnes và phản ứng viêm.

Mụn nhiều khả năng xuất hiện trên mặt, cổ, ngực và lưng, nơi có mật độ cao hơn của các tuyến bã nhờn.

Mụn được chẩn đoán bằng cách xác định các tổn thương. Các vấn đề về da khác có thể có biểu hiện giống tổn thương mụn nhưng chúng không có nhân. Mụn được phân loại bằng đặc điểm các tổn thương:

  • Mụn không viêm mở hoặc đóng (mụn đầu đen và mụn đầu trắng),
  • Mụn viêm gồm các thể sần, mụn mủ, mụn bọc hoặc mụn do demodex, vi nấm,...

Sẹo

Hầu hết ai cùng phải đối mặt với sẹo tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Mặc dù sẹo làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, nhưng nó lại là một ví dụ điển hình cho khả năng tự chữa lành vết thương tuyệt vời của da.

Các vết sẹo trên bề mặt da là kết quả của một quá trình phức tạp mà da đã trải qua để tự chữa lành vết thương trong đó có việc kích thích sản sinh collagen. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình làm lành vết thương, và cách mà nó lành lại sẽ quyết định vết sẹo trông như thế nào sau này.

Sự làm lành vết thương và hình thành sẹo rất đa dạng và khác nhau tùy theo cơ địa của mỗi người. Tuy nhiên, nó cũng phụ thuộc khá nhiều vào cách chăm sóc vết thương trước khi vết sẹo đã hình thành hoàn tất.

Một vết sẹo được hình thành khi da trải qua 3 giai đoạn:

  • Tổn thương và sưng tấy
  • Hình thành mô mới
  • Tái kết cấu bề mặt da.

Tăng sắc tố da

Màu sắc da

Màu da người phụ thuộc vào nhiều yếu tố, quan trọng nhất là hàm lượng melanin và caroten, số lượng mạch máu ở chân bì và màu của máu trong các mao mạch đó. Melanin là yếu tố quyết định màu da ở người, nhiều thì làm da đậm đen lại, ít thì làm da nhạt đi.

Melanin là chất tự nhiên được tạo ra từ những tế bào biểu bì tạo hắc tố nằm rải rác trong da. Tuy nhiên khi bị rối loạn, sắc tố melanin sẽ có nhiều hắc tố tập trung ở một vùng nhất định gây ra tình trạng màu da không đều.

Nguyên nhân gây tăng sắc tố

Tăng sắc tố là kết quả của tăng lắng đọng melanin ở da bằng cách tăng tổng hợp melanin hoặc tăng số lượng của các tế bào sắc tố. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sản sinh dư thừa melanin.

  • Di truyền hoặc bẩm sinh
  • Yếu tố vật lý: tiếp xúc với nắng sẽ kích thích sản sinh melanin vì melanin đóng vai trò như lớp kem chống nắng bảo vệ da khỏi tia UV và làm da trở nên rám nắng. Tuy nhiên, tiếp xúc nhiều với ánh mặt trời có thể gây rối loạn quá trình này, dẫn đến tăng sắc tố da.
  • Rối loạn nội tiết
  • Viêm hay nhiễm khuẩn
  • Nguyên nhân khác như: bệnh tự miễn hay tiêu hóa, rối loạn chuyển hóa và thiếu hụt vitamin; tác dụng phụ của việc điều trị nội tiết, hóa trị, kháng sinh, thuốc trị sốt rét và một số dược phẩm khác.

Phân loại tăng sắc tố da

  • Đồi mồi
  • Tàn nhang
  • Bớt
  • Nám da
  • Tăng sắc tố sau viêm (kết quả của tình trạng viêm gây ra bởi các bệnh ngoài da khác nhau hay do điều trị).

Lão hóa da

Sự lão hóa da có thể chia làm hai loại:

  • Lão hóa da tự nhiên: cấu trúc da trở nên lỏng lẻo, mỏng, không đều màu do sự thoái hóa của mạng lưới collagen và elastin dưới da cùng với sự giảm glucosaminoglycan.
  • Sự lão hóa từ bên ngoài: do sự tác động của các nhân tố ngoại cảnh gồm tia UV, hóa chất và thuốc lá. Tia UV là tác nhân chính gây nên sự lão hóa này.

Sự tích lũy gốc tự do và những chất oxy hóa sẽ thay đổi cấu trúc tế bào và gây ra sự lão hóa. Gốc tự do xuất hiện sau một thời gian dài tiếp xúc với các tác nhân xúc tác. Ở người, nó xuất hiện nhiều ở giai đoạn dậy thì sớm ở nam, trước và đầu giai đoạn dậy thì ở nữ.

Khi gốc tự do xuất hiện và tác dụng phá hoại cao vượt quá khả năng trung hòa của cơ thể thì quá trình oxy hóa xảy ra. Các quá trình viêm nhiễm, sự hủy hoại DNA cũng nằm trong tiến trình lão hóa. Tất cả quá trình trên đều nói chung là kết quả của quá trình oxy hóa.

Khi một lượng đáng kể các chất oxy hóa xuất hiện sẽ gây ra các vấn đề về sức khỏe như: tiểu đường, đột quỵ, ung thư,...

Nhăn da

Có nhiều nguyên nhân hình thành nếp nhăn:

  • Yếu tố môi trường: Tiếp xúc với ô nhiễm và tia UV thường xuyên góp phần sinh ra gốc tự do. Chúng làm tổn thương chức năng tế bào và kích thích quá trình phá hủy collagen, dẫn đến lão hóa sớm. Da mất độ căng và tính linh hoạt, do đó bắt đầu chùng và nhăn.
  • Nội tiết tố: Sự thay đổi nội tiết tố trước và trong giai đoạn mãn kinh ảnh hưởng đáng kể lên da, góp phần vào sự phát triển vết chân chim, nếp nhăn trên mặt và cơ thể.
  • Yếu tố di truyền: thường bắt đầu trong độ tuổi 20-29.
  • Biểu cảm gương mặt: Những biểu cảm của mặt lặp đi lặp lại trong thời gian dài có thể tạo ra nếp nhăn. Mỗi lần cử động cơ mặt, đường rãnh sẽ hình thành bên dưới bề mặt da.
  • Hút thuốc: do việc này thúc đẩy và làm cho quá trình lão hóa diễn ra mạnh mẽ hơn.
  • Rượu: gây mất nước và suy yếu các mao mạch; càng uống nhiều càng mất nhiều collagen; tác động đến lượng vitamin A - chất chống oxy hóa quan trọng cho da.
  • Chế độ ăn:Ăn quá nhiều chất ngọt và dầu mỡ không chỉ ảnh hưởng xấu tới vóc dáng mà còn làm da lão hóa nhanh chóng.
  • Giấc ngủ: Không ngủ đủ giấc có thể khiến các nếp nhăn dễ thấy rõ hơn, các vùng sẫm màu xuất hiện, da trở nên nhợt nhạt, thiếu sức sống và chảy xệ.
  • Giảm cân đột ngột: Những chế độ ăn kiêng nghèo nàn khiến cơ thể bị thiếu hụt dinh dưỡng dẫn đến việc da khô và xỉn màu vì thiếu dưỡng chất, vitamin thiết yếu. Những người quá béo sau giảm cân đột ngột thường xuất hiện nếp nhăn trên toàn cơ thể.

≡≡≡≡≡≡≡

Sau khi trang bị cho mình những kiến thức về các vấn đề về da, các chị em hãy luôn sống tích cực và yêu thương làn da của mình. Luôn lắng nghe các tín hiệu của cơ thể chị em nhé!

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bé bị hăm da vùng cổ - Mẹo cho các mẹ giải cứu bé cưng

Bạn biết gì về hàng rào bảo vệ da

Chăm sóc da vùng mắt sao cho đúng

Xem thêm kiến thức về giảm béo

Bình luận

ĐĂNG KÝ BẢN TIN CỦA CHÚNG TÔI

Vui lòng liên hệ với admin để tạo tài khoản

Hotline: 0902 027 011 Liên hệ